Tìm hiểu về máy bay không người lái – UAV là gì?
Ngày nay, với những bước tiến vượt bậc của nhân loại trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, máy bay không người lái (UAV) dần trở thành một trong những chủ đề nổi bật và được nhắc đến với tần suất nhiều hơn trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Có rất nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề này, và một trong những câu hỏi lớn nhất có lẽ là “Máy bay không người lái – UAV là gì?” Hãy cùng Công ty Hòa Bình tìm hiểu về khái niệm và ứng dụng của máy bay không người lái này nhé.
Máy bay không người lái là gì?
Máy bay không người lái, hay còn gọi là phương tiện bay không người lái, có tên tiếng Anh là Unmanned Aerial Vehicle (viết tắt: UAV). Đây là tên gọi chung cho các loại máy bay hoạt động mà không có sự xuất hiện của phi công, phi hành đoàn hoặc bất kì hành khách nào trên máy bay. Máy bay không người lái có khả năng hoạt động với mức độ tự lập khác nhau, từ được điều khiển từ xa (con người điều khiển chuyển động của UAV) đến khả năng tự lập nâng cao, nghĩa là UAV dựa vào hệ thống cảm biến và máy dò LIDAR để tự tính toán chuyển động.
Máy bay không người lái được xuất hiện lần đầu trong cuộc chiến vào tháng 7 năm 1849 tại Ý. Đến sau những năm 1900, máy bay không người lái bắt đầu có sự phát triển vượt bậc về cả ngoại hình, động cơ cho đến lĩnh vực sử dụng. Cho đến ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp những máy bay không người lái có kiểu dáng đa dạng và kích thước nhỏ còn được gọi là Drone. Drone thường có kích thước và công suất động cơ nhỏ đến trung bình. Đối với các drone được lắp thêm camera quan sát thì gọi là flycam, giúp người dùng ghi lại các hình ảnh từ trên không.
Phân loại máy bay không người lái
UAV có thể được phân loại giống như bất kỳ loại máy bay nào khác, theo cấu hình thiết kế như trọng lượng hoặc loại động cơ, độ cao bay tối đa, mức độ tự chủ hoạt động, vai trò tác chiến, v.v.
Phân loại dựa trên trọng lượng
Dựa trên trọng lượng, máy bay không người lái có thể được phân loại thành năm loại như sau:
STT | Loại UAV | Trọng lượng |
1 | Nano UAV | nặng tới 250 g |
2 | Phương tiện bay siêu nhỏ (Micro air vehicles - MAV) | 250 g - 2 kg |
3 | UAV thu nhỏ hoặc nhỏ (Miniature UAV or small (SUAV)) | 2 - 25 kg |
4 | UAV cỡ vừa (Medium UAV) | 25 - 150 kg |
5 | UAV cỡ lớn (Large UAV) | trên 150 kg |
Phân loại dựa trên mức độ tự chủ
Máy bay không người lái cũng có thể được phân loại dựa trên mức độ tự chủ trong các hoạt động bay của chúng. ICAO phân loại máy bay không người lái là máy bay được điều khiển từ xa và máy bay tự động hoàn toàn. Một số UAV có mức độ tự chủ trung cấp.
Phân loại dựa trên độ cao
Dưa vào độ cao khi bay, UAV có thể được phân loại thành nhiều loại như sau:
+ Hand-held: độ cao 2.000ft (600m), phạm vi hoạt động khoảng 2km
+ Close: độ cao 5.000ft (1.500m), phạm vi hoạt động lên tới 10km
+ NATO type: độ cao 10.000ft (3000m), phạm vi hoạt động lên tới 10km
+ Tactical: độ cao 18.000 (5.500m), phạm vi hoạt động khoảng 160km
+ MALE (medium altitude, long endurance): độ cao 600ft (2000m), phạm vi hoạt động khoảng trên 200km
+ ...
Phân loại dựa trên tiêu chí tổng hợp
Bên cạnh phân loại dựa trên các tiêu chí riêng lẻ về độ cao, trọng lượng, ... UAV còn có thể được phân loại theo bộ tiêu chí tổng hợp. Một ví dụ về phân loại dựa trên các tiêu chí tổng hợp là hệ thống máy bay không người lái (UAS) của Quân đội Hoa Kỳ đã phân loại UAV dựa trên trọng lượng, độ cao tối đa và tốc độ của thành phần UAV.
Ứng dụng của máy bay không người lái
Các máy bay không người lái trước đây chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực quân sự như chiến đấu hay huấn luyện quân nhân,... Khi công nghệ động cơ được cải thiện và chi phí giảm, máy bay không người lái dần được ứng dụng rộng rãi trong dân sự, điển hình như lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, ghi hình trên không, các ứng dụng khoa học thuộc lĩnh vực địa kỹ thuật không gian,…
Một số ứng dụng tiêu biểu của máy bay không người lái có thể kể đến như sau:
- Quân sự: là lĩnh vực đầu tiên và vô cùng quan trọng của máy bay không người lái. UAV có thể giúp giám sát, ngụy trang, do thám tại những địa điểm khó tiếp cận, giúp bảo vệ an ninh hoặc trở thành mục tiêu thực hành trong huấn luyện.
- Nông nghiệp: hỗ trợ phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt giống, phân bón một cách đồng đều, giảm thiểu chi phí và thời gian canh tác; lập bản đồ, khảo sát nông nghiệp
- Ứng dụng trong việc thu thập dữ liệu, thăm dò, chụp ảnh phục vụ khoa học, bản đồ, địa chất,…
- Giải trí: Việc quay phim chụp ảnh của những cảnh quay trên không trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với máy bay không người lái. Những cảnh quay con người không tiếp cận được nay đã có thể ghi lại được một cách đơn giản với flycam.
- Hỗ trợ kiểm tra, bảo trì các hệ thống truyền tải điện
- Hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, giúp tiếp cận và phát hiện nạn nhân nhanh chóng,…
Kết lại, máy bay không người lái (UAV) đang ngày càng có vai trò quan trọng và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống hiện đại. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, với việc hạn chế sự tham gia của con người trong các hoạt động sản xuất, liệu đây có phải một cơ hội lớn cho máy bay không người lái? Hãy cùng công ty Hòa Bình nghiên cứu trong những bài viết tiếp theo.